Hướng dẫn chi tiết cách vận hành bộ truyền động của xe đạp hiệu quả

huong-dan-chi-tiet-cach-van-hanh-bo-truyen-dong-cua-xe-dap-hieu-qua

Có rất nhiều loại xe đạp được thiết kế với đa dạng kiểu dáng, phong phú chủng loại để đáp ứng nhu cầu người dùng. Hầu hết xe đạp hiện nay đều có điểm chung là được trang bị bộ truyền động nhiều cấp độ. Tuy cách vận hành đơn giản, nhưng không phải ai cũng nắm rõ và sử dụng đúng. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên tắc và cách chuyển như thế nào nhé:

I.Cấu tạo bộ truyền động:

Nhằm hỗ trợ một cách tối lực đạp cho người đi, hầu như các loại xe đạp hiện nay đều có thiết kế bộ phận truyền động sau:

1. Bộ phận đề truyền động (Deraileur), bao gồm:

a- Củ đề phía trước (Front deraileur), là bộ phận điều chỉnh dây xích hoạt động trên các tầng đĩa khác nhau.

Với loại xe chỉ có 1 tầng đĩa thì không có bộ phận này.

b- Củ đề phía bánh sau (Rear derailleur), là bộ phận được thiết kế để điều chỉnh cho dây xích hoạt động trên các tầng líp khác nhau.

2. Bộ phận tay điều khiển chuyển số (shifter):

Có tính năng thay đổi đề truyền động qua lại các tầng đĩa/líp theo từng nấc, thông qua hệ thống dây cáp kéo. Một số xe đạp cao cấp có thể điều khiển qua sóng wifi không dây.

- Trong đó, tay điều khiển chuyển số  của củ đề phía sau thường được lắp đặt phía bên phải của tay lái, tay chuyển đề trước được gắn bên trái. Trên tay đề thường có ghi số từ 1-n tương ứng với số đĩa/líp của xe. Theo đó, số 1 của tay đề sau (bên phải) tương ứng với tầng líp có đường kính to nhất. Ngược lại, số 1 của tay đề trước (bên trái) tương ứng với tầng đĩa có đường kính nhỏ nhất.

- Bộ phận tay điều khiển có kiểu dáng đa dạng và nhiều cách điều chỉnh, phổ biến là những kiểu sau:

a. Kiểu tay bấm/xả: cấu tạo của mỗi bên tay có 2 cần để tăng / giảm số.

b. Kiểu vặn (revoshift): điều khiển bằng cách vặn tay nắm, xoay tiến về trước hoặc quay ngược về sau để tăng / giảm số:

c. Kiểu gạt: tương tự kiểu tay xoay vặn, nhưng được thiết kế có chiếc cần để gạt tiến/ lùi số:

d. Kết hợp nút bấm và cần gạt:

Với kiểu này, có dấu mũi tên 1 chiều, để chỉ hướng di chuyển của cần gạt. Muốn chỉnh số ngược lại thì ấn vào nút bấm bên cạnh. (Lưu ý không kéo cần gạt theo chiều ngược lại)

3. Bộ phận líp có nhiều tầng (cassette).

Các xe đạp phổ thông thường có từ 3-…7 tầng líp, phù hợp đi trên mặt đường tương đối tốt, độ dốc thấp và quãng đường không quá dài. Xe thể thao cao cấp và chuyên dụng thì có nhiều tầng líp hơn, thường từ 8-…12 tầng, có thể hỗ trợ đi xa hơn, đường xấu hơn và độ dốc lớn...

Mỗi tầng líp có kích thước và số răng khác nhau để phù hợp với từng điều kiện đường cũng như tốc độ của người đi. 

+ Vòng líp nhỏ có số răng ít giúp xe đạt được vận tốc cao nhất, thông thường vòng líp nhỏ nhất có từ 11 - 14 răng.

+ Ngược lại, đường kính líp lớn, số răng nhiều thì xe khỏe, có khả năng leo độ dốc cao. Đối với các xe đạp thể thao địa hình, vòng líp lớn nhất có từ 36 răng, thậm chí 44-46 hoặc hơn nữa.

4. Bộ phận đĩa nhiều tầng (crankset)

Bộ đĩa của xe đạp thể thao thông thường có từ 2 hoặc 3 tầng.

Tương tự nguyên lý của líp, cấu tạo bộ đĩa nhiều tầng với số răng khác nhau nhằm thay đổi lực đạp khi đi trên các địa hình và tốc độ xe khác nhau.

- Với xe có thiết kế để mục đích chuyên đi tốc độ nhanh, thường có 2 tầng đĩa với vòng đĩa lớn nhất có từ 48-54 răng.

- Với xe để đi đường địa hình phức tạp thường có 3 tầng với vòng đĩa lớn nhất chỉ từ 42-44 răng.

II.Nguyên tắc chung khi vận hành bộ truyền động xe đạp:

1- Quy ước về các số ghi trên tay điều khiển truyền động:

- Các mức số lớn (tương ứng với vòng líp đường kính nhỏ và vòng đĩa đường kính to) giúp xe đạt được vận tốc cao, nhưng lực chân khi đạp bị nặng, áp lực mạnh vào cơ chân và khớp gối nhiều. Do vậy, xe để ở mức số lớn là trong trường hợp đạp xe đang thuận đà, tốc độ nhanh, mặt đường đẹp, thuận chiều gió...

- Ngược lại, các mức số thấp (tương ứng với vòng líp đường kính to và vòng đĩa đường kính nhỏ) thì xe khỏe, đạp nhẹ, hỗ trợ tốt lúc lên dốc cao, mặt đường xấu hoặc chở nặng. Lúc này lực đạp cảm giác nhẹ, ít chịu áp lực nhưng vòng quay của chân nhiều và nhanh hơn nhưng vận tốc xe chậm hơn. Mức số thấp phù hợp đi tốc độ chậm, thong thả và quãng đường dài, dốc để tiết kiệm sức.

2- Một số lưu ý cần ghi nhớ:

- Chuyển số khi đang đạp xe: tay điều khiển chuyển số cùng lúc đang đạp xe, chân quay theo chiều tiến về phía trước. Tuy nhiên chân nên đạp đều và nhẹ, không tạo áp lực nhấn mạnh xuống bàn đạp khi đang chuyển số.

- Không đạp quay theo chiều ngược lại khi đang chuyển số. 

- Không nên thay đổi chuyển số khi đang dừng đỗ xe.

- Chuyển số lần lượt từng bên đề truyền động/ hoặc chỉ 1 bên. Không nên đồng thời điều khiển cả 2 bên cùng lúc.

- Thao tác chuyển dứt khoát từng mức số, không nên chuyển vượt nhiều mức cùng lúc.

- Chủ động chuyển số ngay khi bắt đầu thay đổi địa hình, tình trạng mặt đường hoặc thay đổi vận tốc xe. Hạn chế tình huống lên ngang giữa dốc, xe hoàn toàn mất đà thì mới chuyển số.

Để chinh phục những đoạn đường dài và có độ dốc lớn như một trong tứ đại đỉnh đèo, cần vận hành nhuần nhuyễn và chuẩn xác bộ truyền động.

III. Cách phối hợp bộ đề truyền động trước và sau:

1. Việc điều chỉnh đúng cách sẽ giúp hệ thống truyền động hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tối đa lực cho người đạp xe, đồng thời hạn chế những hư hỏng cho xe. Sự phối hợp này dựa trên nguyên tắc sao cho dây xích không bị vặn chéo quá mức mà luôn nằm trên một mặt phẳng giữa các tầng đĩa và líp:

Nguyên tắc này chỉ cần thiết đối với các xe đạp có từ 2- 3 tầng đĩa và nhiều tầng líp. Sau đây chúng ta cùng nhìn vào ví dụ hình minh họa để hiểu rõ hơn:

a- Nếu xe đạp của bạn có 3 tầng đĩa và 9 tầng đĩa: 

+ Khi điều kiện mặt đường xấu hoặc có độ dốc lớn, hay xe đang chở nặng khiến bạn phải đi xe với tốc độ chậm thì có thể để ở mức số thấp, cụ thể là đĩa số 1 phối hợp cùng các tầng líp số từ 1-4;

+ Trong điều kiện đường phố bình thường, đường không quá dốc hoặc đơn giản là bạn muốn đạp xe thong dong với tốc độ trung bình thì nên để số ở mức giữa, cụ thể là đĩa số 2 phối hợp với các tầng líp  số từ 3-7;

+ Trường hợp bạn muốn chạy tốc độ nhanh và đường đẹp, thuận đà thì có thể để số ở mức cao, lúc này phối hợp đĩa số 3 với líp số 5-9.

 

b- Nếu bạn có chiếc xe đạp với 2 tầng đĩa và 8 tầng líp: cách để số cũng tương tự là đĩa số to + líp số to / đĩa số nhỏ + líp số nhỏ:

+ Khi đi tốc độ chậm hoặc không quá nhanh, nên để số thấp: đĩa số 1 với líp số từ 1-5

+ Khi đi tốc độ trung bình đến rất nhanh, nên để số cao: đĩa số 2 với líp số từ 5-8

2. Các minh họa trường hợp cụ thể:

a. Phối hợp đúng cách giữa đề trước và sau:

- Để đĩa số 2 đi cùng líp số 7 khi đi tốc độ trung bình trong điều kiện đường thành phố:

b. Một số trường hợp bị sai điển hình, nên tránh mắc:

Phối hợp không đúng cách giữa đĩa và líp sẽ làm xích vặn chéo, có thể bị kéo quá căng hoặc ngược lại, bị quá trùng. Khi đó việc vận hành gặp khó khăn, không đạt được hiệu quả như mong muốn và cũng dễ gây ra những hư hỏng bộ truyền động cho xe của mình.

- Trường hợp sai thứ nhất: để đĩa số lớn nhất (đĩa 3) và líp số nhỏ nhất (líp 1), khi đó củ đề sau sẽ bị kéo dãn quá mức, xích bị căng quá mức.

- Trường hợp sai thứ 2: ngược lại TH1, nếu để đĩa số nhỏ và líp số lớn (đĩa 1 + líp 9), lúc này củ đề sau bị gập lại, co hết lên trên, dây xích bị trùng nhất.

 

      Với những chia sẻ trên, hy vọng rằng các bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về cách sử dụng đúng quy tắc bộ truyền động của xe đạp sao cho phát huy hiệu quả, giúp người đi tiết kiệm sức lực cũng như chiếc xe của bạn được bền bỉ hơn. Để biết cách vệ sinh bộ truyền động được hoạt động trơn tru, mời các bạn tham khảo bài viết tại đây: https://www.xedapvui.com/ve-sinh-he-thong-xich-lip-de-xe-dap-luon-van-hanh-tron-tru

Bạn muốn lựa chọn được chiếc xe đạp ưng ý, phù hợp với nhu cầu luyện tập của bản thân, thì đừng ngần ngại liên hệ với Shop Xedapvui để được tư vấn chia sẻ cụ thể nhé.
"Đạp xe vui mà lại khỏe - đạp xe khỏe càng vui hơn", Shop Xedapvui xin chúc các bạn luôn đạp xe vui và an toàn trên mọi nẻo đường.

- Tuân xedapvui -

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN