Kinh nghiệm bạn nên tham khảo khi đạp xe đường dài

kinh-nghiem-ban-nen-tham-khao-khi-dap-xe-duong-dai

Ngày nay, xe đạp không còn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân ở các quốc gia đang phát triển, nó trở nên phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển như Hà Lan, Pháp, Nhật Bản... và đã lan rộng thành xu hướng hiện đại trên toàn thế giới. Mọi người chọn đi xe đạp vì những lợi ích mang lại cho sức khỏe, đóng góp cho môi trường xanh sạch, và hơn thế nữa, đi xe đạp trở thành đam mê và sở thích mà họ muốn chia sẻ với bạn bè, người thân mỗi khi rảnh rỗi.

Sau đây là một số lời khuyên của xedapvui nhằm giúp bạn có được trải nghiệm thú vị và an toàn khi đạp xe, cho dù bạn là người mới bắt đầu tham gia.

1. Kiểm tra tình trạng xe trước mỗi hành trình:

Dù xe của bạn có "xịn xò" đến đâu thì cũng luôn cần phải kiểm tra thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ. Một chiếc xe đạp được đảm bảo vận hành ổn định sẽ là điều kiện quan trọng nhất cho những chuyến đạp xe.

Không cần phải là có chuyên môn sâu, kỹ thuật lành nghề, chỉ trong vòng chưa đầy 2 phút, bạn cũng có thể kiểm tra tình trạng chiếc xe của mình đã sẵn sàng chưa với những hạng mục sau:

+ áp suất lốp đã đủ căng chưa?

+ xích xe có bị thiếu dầu bôi trơn không?

+ hệ thống phanh có ăn bám không

+ tay lái có thẳng không, cổ phốt có trơn tru không, đùi đĩa và bánh xe có bị rơ lắc không...

Để có thêm kinh nghiệm về việc chăm sóc chiếc xe của mình, mời các bạn tham khảo bài viết https://www.xedapvui.com/ve-sinh-he-thong-xich-lip-de-xe-dap-luon-van-hanh-tron-tru

2. Điều chỉnh yên xe phù hợp với chiều cao, tư thế và cả tính chất hành trình chuyến đi của bạn.

Điều chỉnh yên xe đúng cách giúp cho chuyến đi được thoải mái, hiệu quả, giảm thiểu tai nạn, chấn thương. Có nhiều bạn cứng nhắc việc để chiều cao yên phải đúng chính xác với những công thức của những tay đua chuyên nghiệp. Nhưng xedapvui xin lưu ý các rằng, công thức đó dành cho tay đua chuyên nghiệp để đạt được tối ưu hóa nhất lực đạp, còn đối với những người không phải tay đua chuyên nghiệp, thì còn phụ thuộc thêm một vài yếu tố điều kiện khách quan khác, ví như:

- cung đường đạp xe trong thành phố có nhiều đèn đỏ/ đông xe tắc đường => nên hạ thấp yên hơn tiêu chuẩn;

- cung đường có nhiều ổ gà/ đá răm/ trơn trượt...=> nên hạ thấp yên hơn tiêu chuẩn; 

- cung đường đổ nhiều dốc cao => nên hạ thấp yên hơn tiêu chuẩn;

3. Đạp xe và duy trì tư thế ngồi đúng kỹ thuật:

Không có tư thế đạp xe nào phù hợp hoàn toàn với tất cả mọi người. Cũng như đặt chiều cao yên xe, tư thế ngồi còn phụ thuộc vào cung đường đi, vào tình trạng sức khỏe và vận tốc của người đạp (đạp càng nhanh thì tư thế người càng cần núp gió nhiều, đường càng xấu thì tư thế càng cần ngồi thẳng lưng rộng vai hơn...).  Dưới đây xedapvui xin có một số lưu ý bạn cần biết để đảm bảo rằng bạn đi xe đạp được thoải mái, đặc biệt là đối với các chuyến đi xe đạp đường dài:

Đau vai, tê tay và mông là một tai ương đi xe đạp phổ biến. Tay nắm  ghi đông thoải mái, ko nắm quá chặt hay hờ hững, thả lỏng để cổ tay được xuôi thẳng, không bẻ gập ngửa cổ ta - trùng khửu tay - mở rộng bả vai. Có như vậy, trong quá trình đi 2 tay sẽ kết hợp với lưng và vai để đỡ cơ thể nhún nhịp nhàng theo độ nảy của xe, vừa làm giảm lực đè vào cổ tay để máu lưu thông dễ dàng cũng như giảm độ xóc của xe khi gặp đường xấu.. Bạn nên dừng đạp xe sau mỗi 45-60 phút / lần để các cơ được nghỉ ngơi.

4. Kiểm soát hơi thở ổn định

Kiểm soát hơi thở giúp bạn rèn luyện sức bền cho cơ thể. Hít vào sâu bằng mũi, thở ra bằng mồm đều đặn theo nhịp chân đạp, kết hợp thóp/nở bụng, kéo các cơ về phía sau cột sống để kiểm soát không gâp áp lực lên tim. 

5. Bù nước cho cơ thể.

Đừng quên luôn uống đủ nước khi đi xe đạp. Bạn nên uống ít nhất 500ml – 1 lít trong mỗi giờ đạp xe và nhiều hơn nữa tùy thuộc vào thời tiết, cường độ tập luyện. Nếu thời tiết nắng nóng hoặc đi đường dài, chắc chắn cần phải dùng đến nước bù điện giải để bù lượng điện giải đã mất trong cơ thể. Xedapvui xin mách nhỏ, đất nước Việt Nam xinh đẹp có rất sẵn những thứ nước rẻ tiền từ thiên nhiên, lại có tính chất “tăng lực” rất tốt cho cơ thể mà chúng ta rất dễ tìm mua dọc đường: nước mía, nước dừa, nước mơ hay chanh ngâm muối đường nhé các bạn.

Lưu ý bạn cần ghi nhớ: Uống từ từ, từng ngụm nhỏ. Uống nước theo cách này sẽ giảm áp lực lên thành dạ dày và các cơ quan khác như gan, thận… Uống quá nhiều nước một lúc sẽ làm loãng máu và giảm lượng natri trong cơ thể, vì vậy hãy cẩn thận đừng uống “cho đã khát” ngay một lúc khi đang đi xe đạp.

Mời bạn tham khảo về đồ uống phù hợp khi đi đạp xe có trong bài viết https://www.xedapvui.com/uong-nuoc-the-nao-khi-di-xe-dap

6. Ăn nhẹ trước khi đạp xe

Để quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn, bạn nên thư giãn từ 1 đến 2 tiếng sau bữa ăn chính và khoảng 10 phút – 20 phút cho bữa ăn nhẹ hơn như bánh kẹo hay trái cây… Xedapvui gợi ý một đồ ăn nhẹ phù hợp mỗi khi đạp xe đường dài đó là trái chuối, vừa ngon, rẻ, rất bổ và dễ tìm mua dọc đường kể cả ở vùng nông thôn hay đồi núi xa xôi hẻo lánh.

Xedapvui gợi ý một nguyên tắc các bạn nên nhớ mỗi khi đạp xe đường dài đó là: Chủ động nghỉ trước khi mệt – ăn trước khi đói – uống trước khi khát. Đừng để quá mệt rồi mới nghỉ, khi đó sẽ rất khó hồi phục. Nếu quá đói vẫn chưa ăn thì dễ dẫn đến tụt đường huyết giữa chừng. Và khi chúng ta thấy khát thì có nghĩa cơ thể chúng ta đã mất quá nhiều nước rồi đó.

7. Chuẩn bị đồ y tế - cứu thương:

Chuẩn bị chút ít băng gạc, lọ nước muối, cồn y tế 70% hoặc thuốc betadin sát trùng, lọ dầu gió… để đảm bảo phòng trường hợp bất chắc trên những cung đường đi không bao giờ là thừa bạn nhé.

8. Có những người bạn đồng hành

Đạp xe khiến chúng ta dễ kết nối và tìm được những người bạn cùng sở thích. Và cũng thật yên tâm biết bao khi có bạn đồng hành trên những cung đường đạp xe. Bạn bè sẽ giúp ta có thêm nhiều niềm vui, trò chuyện giúp ta quên đi mệt mỏi. Những người bạn cùng sở thích đôi khi cũng là nguồn động lực giúp ta rèn luyện mỗi ngày. Khi bạn bè của bạn đang đợi bạn và tất cả các bạn có kế hoạch đi cùng nhau, bạn không thể làm họ thất vọng, phải không? Đôi khi họ cũng chính là những người hỗ trợ bạn khi bạn đạt được điều gì đó hoặc là người sẽ hỗ trợ bạn tìm ra giải pháp khi bạn gặp thử thách trong cuộc sống.

Hy vọng rằng, kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với xe đạp phượt mà Xedapvui chia sẻ trên đây, ít nhiều sẽ giúp cho các bạn có được những hành trình nhiều thú vị và thành công. Để tìm hiểu thêm về một số phương pháp đạp xe nhằm nâng cao sức khỏe có trong bài viết: https://www.xedapvui.com/dap-xe-co-loi-suc-khoe

Cùng với phương châm: "Đạp xe vui mà khỏe - khỏe lại càng vui hơn" Xedapvui xin chúc các bạn luôn đạp xe vui - an toàn trên mọi nẻo đường. 

- Tuân xedapvui - 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN