Sự thật nguyên nhân thường xuyên đi xe đạp gây nên căn bệnh trĩ

su-that-nguyen-nhan-thuong-xuyen-di-xe-dap-gay-nen-can-benh-tri

PS: Bài viết được sự tư vấn chuyên môn từ Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ chuyên khoa II Hỷ Kỳ Phoóng.

 

Có một mối quan tâm của những người yêu thích môn xe đạp, thường đề cập đến vấn đề liệu đi xe đạp thường xuyên có phải là nguyên nhân gây mắc bệnh trĩ hay không? Vậy các bạn hãy cùng Xedapvui tham khảo ý kiến của chuyên gia để tìm hiểu rõ vấn đề này nhé.

1. Bệnh trĩ là gì, nguyên nhân tại sao và triệu chứng bệnh như thế nào

Trĩ được miêu tả là những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, nó là một trong những bệnh lành tính ở vùng hậu môn thường xảy ra nhất.

Theo số liệu từ bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Có hơn một nửa dân số mắc bệnh trĩ và thường bắt đầu từ sau độ tuổi 30. Tại Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhiều hơn những nước Âu Mỹ. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh trĩ, nhưng đặc điểm chung của hầu hết những bệnh nhân này thường là những người mắc chứng béo phì, phụ nữ đang mang thai hoặc người có mức độ căng thẳng/ áp lực cao khác lên các tĩnh mạch của hậu môn trực tràng như tình trạng ngồi nhiều, ít vận động ở những người làm công việc văn phòng, dân lái xe ô tô đường dài hoặc tập luyện các môn thể thao nặng như vận động viên cử tạ... 

2. Đi xe đạp có liên quan gì tới căn bệnh trĩ?

Theo Healthmatch, chuyên trang sức khỏe uy tín, có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng đi xe đạp có thể gây ra bệnh trĩ. Trái ngược với thông tin đưa ra từ một số "website bán thuốc gia truyền chữa bệnh trĩ", các nghiên cứu của Healthmatch đã chứng minh không có bằng chứng về việc đạp xe là nguyên nhân gây bệnh trĩ. Mặc dù điều này không đúng, nhưng vẫn có một mối liên quan giữa việc đi xe đạp và bệnh trĩ mà bạn có thể cần biết. 

Những tác động nào của việc đi xe đạp tới bệnh trĩ? 

Trước tiên, phải khẳng định rằng đi xe đạp không trực tiếp gây ra bệnh trĩ. Ngược lại, đi đạp xe hàng ngày ở cường độ vừa phải  và thời gian dưới 2 giờ mỗi ngày sẽ giúp phòng tránh rất tốt căn bệnh trĩ. Một nguyên nhân chính của căn bệnh trĩ là tình trạng táo bón, do đó, việc vận động đôi chân liên tục, kết hợp hít thở và co thóp đều ở vùng bụng dưới khi đạp xe sẽ giúp kích thích nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón, góp phần phòng chống nguy cơ bị bệnh trĩ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đây là loại bài tập tốt cho những người khi đang mắc bệnh trĩ ở giai đoạn cấp tính vì đạp xe có thể kích thích thêm bệnh trĩ khi đang mắc phải và khiến chúng khó kiểm soát hơn. 

Đi xe đạp có làm trầm trọng thêm bệnh trĩ không? 

Ngồi trên yên xe đạp sẽ tạo ra một áp lực đáng kể lên khu vực có búi trĩ, nghĩa là việc đạp xe thường xuyên có thể khiến búi trĩ vốn có của người đang bị bệnh càng dễ đau và viêm hơn. Yên xe đạp cứng và nhỏ, tạo áp lực cao đặt lên vùng hậu môn của bạn có thể dẫn đến lưu lượng máu đến khu vực này thấp hơn đáng kể.

Ngoài ra còn có một lượng ma sát giữa yên xe và búi trĩ của người đang mắc bệnh, và cả hai tình huống này có thể làm cho bệnh trĩ hiện có khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, đối với những người bị mắc bệnh thì lời khuyên là nên tạm ngừng luyện tập  đi xe đạp trong giai đoạn bệnh cấp tính.

Điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn không thể đi xe đạp nếu bạn từng có tiền sử bị bệnh trĩ mà nay đã lành bệnh, chỉ cần luyện tập ở mức độ nhẹ nhàng hơn, thời gian ngắn hơn và tìm một số giải pháp hỗ trợ để làm giảm bớt áp lực của yên xe đến vùng hậu môn của mình.

Một số gợi ý về giải pháp nhằm giảm tác động tiêu cực khi đi xe đạp với căn bệnh trĩ. 

- Việc chọn đệm yên mềm hơn hoặc rộng hơn có thể hữu ích đối với một số người mắc bệnh trĩ, nhưng đây không phải là giải pháp chung cho tất cả mọi người đi xe đạp. Có một số đệm yên xe đạp hiện đang được khuyên dùng cho những người mắc bệnh trĩ. Nhưng có thể thấy rằng những tùy chọn này chỉ tốt hơn trên danh nghĩa so với loại yên dành cho xe đạp phổ thông hoặc thậm chí không mang lại bất kỳ sự dễ chịu nào.

- Một giải pháp hiệu quả là cần có kế hoạch phân phối thời gian đạp xe cho từng chặng đường một cách hợp lý, tăng số lần nghỉ giữa chừng của mỗi chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi đường dài, để máu có thể lưu thông tốt hơn, giảm áp lực lên phần hậu môn hơn.

- Tư thế ngồi đúng cách có tác dụng quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của yên xe tới người đi. Theo đó, tư thế ngồi hướng lên phía trước, cơ thể nhấp nhổm chuyển động cùng bàn đạp, không thường xuyên ngồi yên một vị trí trên xe cũng có tác dụng tốt cho máu dễ dàng lưu thông.

- Ngoài ra, việc lựa chọn thực phẩm trong khẩu phần ăn có giàu chất xơ như rau quả kết hợp với thường xuyên uống nhiều nước sẽ góp phần phòng tránh đến nguy cơ và giảm khả năng tái phát khi có tiền sử bệnh trĩ. 

Với những điều chia sẻ trên, hy vọng rằng các bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về bệnh trĩ và lợi ích của việc tập luyện môn xe đạp giúp hỗ trợ điều trị căn bệnh trĩ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết về lợi ích của xe đạp đối với bệnh giãn tĩnh mạch tại đây: https://www.xedapvui.com/benh-gian-tinh-mach-chan-co-nen-dap-xe-khong

 

Với mong muốn: "Đạp xe vui mà khỏe - khỏe lại càng vui hơn" Xedapvui xin chúc các bạn luôn đạp xe vui - an toàn trên mọi nẻo đường.

- Tuân xedapvui - 

 

 

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN