Chùa Tiêu, ngôi chùa cổ hiếm hoi không có hòm công đức

chua-tieu-ngoi-chua-co-hiem-hoi-khong-co-hom-cong-duc

Chúng tôi xuất phát từ Long Biên, đạp xe dọc đường đê rồi qua cầu Đuống, đi theo hướng thành phố Bắc Ninh, đến gần hết địa phận Từ Sơn, giáp ranh với huyện Tiên Du, có một lối rẽ nhỏ bên trái đường biển đề Viềng B. Đạp xe thêm khoảng 2km, hiện ra trước mắt chúng tôi một cảnh đẹp hữu tình, phía dưới chân núi là một hồ nước rộng, có một cây cầu nhỏ bắc ra ngoài hòn đảo nhỏ giữa hồ, nơi đặt bức tượng Bồ Tát Quán Thế âm bằng đá nguyên khối, cây cối xanh tươi bao phủ xung quanh đảo, ngả bóng xuống cả mặt hồ thật thơ mộng.

Nằm lưng chừng ngọn Tiêu Sơn, ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Tiền Lê, là nơi gắn liền với tuổi thơ ấu của vua Lý Công Uẩn được nuôi nấng và dạy dỗ bởi thiền sư Lý Vạn Hạnh. Sau khi thiền sư mất, người ta dựng tượng của Người cao 5m trên đỉnh núi, bên cạnh có hầu chầu, dưới có hổ phục, mặt hướng về Thăng Long như mong muốn luôn được Ngài độ trì.

Một điều rất đặc biệt của chùa Tiêu là bức tượng táng của vị Thiền sư Như Trí từ thế kỷ XVIII được trang trọng đặt trong tủ kính chân không ở gian thờ Tổ.

Đây là 1 trong 4 bức tượng táng rất hiếm có của Việt Nam. Một sự ngẫu nhiên đã phát lộ thể xa'c của Ngài gần như còn nguyên vẹn ở tư thế ngồi thiền, không bị phân hủy bởi các loài vi sinh vật và thời gian hàng trăm năm, trong môi trường ẩm ướt của một ngôi bảo tháp cổ.

Điều đó chứng minh rằng tài năng của người Việt xưa trong khả năng "ướp xa'c" và củng cố thêm đức tin tín ngưỡng về sự "chính quả" khi khổ hạn tu tập của những người tu hành Phật Giáo.

Đến chùa Tiêu, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi không gian yên bình, cảnh đẹp cổ kính hoà quện với thiên nhiên của nó, mà còn cảm thấy bất ngờ bởi hiếm có một ngôi chùa quy định "3 không": không có hòm công đức, không vàng mã và không dâng sao giải hạn.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN