Nhắc đến vị Hoàng đế Đại Việt cuối cùng của Triều Lý, cũng là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam, không thể không nhắc tới cuộc hôn nhân do sự sắp đặt của người lớn cho Thiếu Đế Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh – một cuộc chuyển giao vương triều không tốn đến một hòn đạn, mũi tên.
Vào giai đoạn triều đình nhà Lý đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng, viên đại thần Trần Thủ Độ - một tay nắm giữ toàn bộ quyền lực điều hành đất nước, đã có nước đi ngoạn mục để dành quyền lực về dòng họ Trần. Năm 1224, ông đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út mới 6 tuổi là Lý Chiêu Hoàng.
Sau một năm làm Nữ Hoàng dưới sự nhiếp chính của Trần Thủ Độ, năm 1225, Trần Thủ Độ đã sắp đặt một cuộc hôn nhân cho Lý Chiêu Hoàng và cháu trai của mình là Trần Cảnh, người đã được Trần Thủ Độ cho vào cung hầu Nữ Hoàng từ trước. Sự khởi điểm của cuộc hôn nhân này đã luôn được Trần Thủ Độ giấu kín. Nên người ta chỉ biết rằng ngày hôm ấy, Trần Thủ Độ cho đóng cửa cấm cung, không cho ai được phép vào và loan tin rằng Nữ Hoàng đã lấy chồng. Ngay sau đó, Lý Chiêu Hoàng đã lập tức phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh và lui về làm Hoàng hậu.
Năm 1237, lấy nhau đã lâu nhưng Hoàng hậu vẫn chưa sinh được cho Vua Trần người con nào, Trần Thủ Độ lấy cớ đó để phế Hoàng hậu Chiêu Thánh – tức Lý Chiêu Hoàng, mà lập chị gái Chiêu Thánh là Thuận Thiên, đang có mang 3 tháng với Trần Liễu – anh trai vua, làm Hoàng hậu, và giáng Chiêu Thánh từ Hoàng hậu xuống Công chúa.
Trong khi Trần Liễu nổi loạn rồi bị cử đi trấn thủ vùng đông bắc (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), Chiêu Thánh công chúa đã chọn cách lặng lẽ xuống tóc xuất gia. Bà đi tu tới năm 1258 thì được vua (chồng cũ) vời lại và gả cho danh tướng Lê Tần (hay Lê Phụ Trần), người đã có công cứu giá trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ 1258, khi ấy bà đã ngoài 40 tuổi. Trong cuộc hôn nhân thứ hai, bà đã hạ sinh được một trai một gái, mà người con trai ấy lại chính là Lê Tông – tức danh tướng Trần Bình Trọng.
Cũng chính nỗi đau bởi chịu cái tiếng là người cuối cùng để mất vương triều vào tay người khác, nên sau khi bà mất, dòng họ Lý đã không đặt bài vị của bà thờ trong đền Đô, ngôi đền Tổ thờ phụng các vua Lý. Bà được thờ riêng ở Đền Rồng, cách không xa đền Đô, cùng nằm trong địa phận Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay.
Cre: Hoa Lam