Ngôi đền nhỏ nằm ven sông Châu Giang có cảnh đẹp tự nhiên nơi thờ tự Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa ở làng Vạn Khoảnh, thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 6km về hướng Bắc.
Phía ngoài cổng tam quan có tượng nổi tả thanh long, hữu bạch hổ. Vào ngay sau cổng là ao nước hình chữ nhật với bức tượng đá hình cá chép làm bình phong cho ngôi đền cổ.
Thái Tổ Trần Thừa từng làm Thái úy phụ chính triều nhà Lý (Tể Tướng). Năm 1225, con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh lên ngôi vua, hiệu là Trần Thái Tông, khai sinh vương triều Trần. Trần Thừa được tôn là Thượng hoàng trông coi việc nước. Do đó, ông là trường hợp đặc biệt được tôn làm Thượng hoàng khi chưa một ngày làm vua.
Theo Gia phả dòng họ Trần Việt Nam, ông tổ là Trần Tự Kình (cá Kình) chuyên nghề chài lưới, sinh ra 2 người con trai, trong đó có Trần Tự Hấp (cá Trắm).
Trần Tự Hấp sinh ra Trần Lý (Lý Ngư - cá chép).
Trần Lý là cha của Trần Thừa, ông nội của Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Sau khi Trần Cảnh lên ngôi đã suy tôn ông nội mình lên là Trần Nguyên Tổ.
Do vậy, đến nay chúng ta thường thấy hình ảnh cá chép xuất hiện ở các nơi thờ tự của nhà Trần.