Đi xe đạp, hoạt động thể thao mang nhiều lợi ích với người cao tuổi

di-xe-dap-hoat-dong-the-thao-mang-nhieu-loi-ich-voi-nguoi-cao-tuoi

Người cao tuổi thường có xu hướng ngại vận động và giao tiếp, đặc biệt là từ khi bắt đầu nghỉ hưu. Đó cũng là nguyên nhân tại sao nhiều người vừa về hưu đã cảm thấy mình già nhanh, cả sức khỏe lẫn trí tuệ giảm sút rõ rệt. Vì vậy, để duy trì  tinh thần lạc quan và nâng cao sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa, cần khuyến khích người cao tuổi tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ luyện tập thể dục thể thao. Đi xe đạp không chỉ là hoạt động thể chất dành riêng cho những người trẻ tuổi mà đối với người cao tuổi giúp họ có được niềm vui và sức khỏe tốt hơn.

Hết bệnh nhờ đạp xe

Cứ vào buổi sáng tinh mơ hay cuối chiều tắt nắng, nếu đi trên tuyến đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Nhật Chiêu… bao vòng quanh hồ Tây, bạn sẽ thấy hàng trăm, thậm chí cả ngàn người đi đạp xe tập thể dục, thì có rất nhiều trong số đó là các cụ cao niên. Quang cảnh thoáng đãng, không khí trong lành khiến các cụ thêm hăng say đạp xe, vừa tập thể dục, vừa là dịp giao lưu vui vẻ, tinh thần sảng khoái. Với các cụ, đi xe đạp thường xuyên là cách đơn giản để vận động cơ thể toàn diện. Hơn thế, xe đạp còn là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, cổ vũ lối sống xanh nên càng trở thành trào lưu thể thao thu hút nhiều người cao tuổi hưởng ứng.

Như một thói quen, đúng 16h30 hàng ngày, ông Trịnh Văn Nga, 64 tuổi ở Võng Thị, Hà Nội lại chuẩn bị thay trang phục, rồi dắt chiếc xe đạp thể thao của mình ra khỏi nhà để bắt đầu một hành trình đi xe đạp quanh vòng hồ Tây. Chiếc xe đạp thể thao này là người bạn rong ruổi cùng ông trên khắp nẻo đường được 9 năm qua. Trung bình mỗi ngày ông đạp khoảng 20-30km. Nhờ đạp xe đều đặn nên sức khỏe của ông thêm phần dẻo dai. Ông Nga cho biết, trước đây khi chưa nghỉ hưu, vì bận rộn với công việc văn phòng, ít tập thể dục, nên tiền sử có nhiều bệnh như tăng huyết áp, mỡ máu cao và biểu hiện sớm của bệnh gout. Nhưng từ khi luyện tập đạp xe hàng ngày, các bệnh đó dường như đã dần tan biến theo những vòng quay bánh xe của ông. “Ngày nào tôi cũng đạp xe, kể cả ở cái thời tiết hè nắng nóng đến 40 độ C của Hà Nội, chỉ trừ khi trời đổ dông bão hay quá ốm thôi. Hôm nào mà không đi được là hôm đó trong người cứ bứt rứt khó chịu” - ông Nga tâm sự.

Còn với ông Thái Trần ở thành phố Hồ Chí Minh, chiếc xe đạp dường như đã trở thành một phần của cơ thể ông, đi xe đạp chính là bữa cơm hàng ngày mà ông không thể nào thiếu được. Ông Thái năm nay đã ngoài 70 tuổi, tham gia tập luyện đạp xe được hơn 10 năm nay, mỗi ngày ông có thể đạp được hàng trăm cây số. Tính đến bây giờ ông đã đạp xe đi hầu hết được những địa danh nổi tiếng, vượt qua các con đèo hiểm trở trên các tỉnh thành, vùng miền của Việt Nam, cũng như đạp xe qua một số nước quanh khu vực. Nhờ rèn luyện đều đặn nên cơ thể ông rắn chắc, sức khỏe dẻo dai, sung mãn,  và đặc biệt tinh thần luôn tràn đầy năng lượng. Đối với ông, qua những chuyến đi đạp xe không chỉ là vừa rèn luyện sức khỏe, vừa được trải nghiệm nhiều những cảnh đẹp thiên nhiên và cuộc sống, văn hóa các dân tộc mọi miền đất nước. Nhận thấy lợi ích rất tốt của việc đạp xe nên ông cũng thường cổ vũ bạn bè cùng tham gia đạp xe để có sức khỏe tốt.

 

Đã ngoài 70 tuổi, ông Thái vẫn đam mê những hành trình trên mọi nẻo đường đất nước với chiếc xe đạp của mình

 

Đặc biệt có những cụ đã trên 90 tuổi vẫn còn yêu thích luyện tập xe đạp, như trường hợp cụ Nguyễn Anh Liên, cựu TNXP kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thương binh 4/4. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng hàng ngày cụ vẫn kiên trì rèn luyện thể chất, một trong những hoạt động đó là sự yêu thích đặc biệt với hoạt động đạp xe. Do cả hai bên tai của cụ không còn nghe được rõ vì sức ép bom mìn, nên các con không để cụ đạp xe ra ngoài đường. Không đi xe ra đường tham gia giao thông thì cụ tập máy đạp trong phòng. Dù vậy, những lúc vắng người, cụ lại lấy xe ra đạp quanh sân nội bộ khu nhà, vừa rèn luyện vừa để thỏa cảm giác được ra ngoài với thiên nhiên. Cụ Liên bật mí bí phương châm sống: "Lao động không có tuổi tác, bởi cuộc sống không ngưng nghỉ, không vận động trí óc và chân tay tức là người đã chết. Tuổi cao sức yếu thì làm việc nhẹ nhàng, tùy theo sức của mình. Hàng ngày đọc sách, viết báo để trí tuệ minh mẫn, rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, đó cũng là lao động".

 

  

Ở tuổi xưa nay hiếm, Cụ Nguyễn Anh Liên vẫn kiên trì rèn luyện để duy trì thể chất và trí tuệ tinh tường.

 

Đạp xe là cách để cơ thể được vận động toàn diện đối với người cao tuổi

Theo các chuyên gia, đi xe đạp là một hoạt động bổ ích, làm chậm quá trình lão hóa và cải thiện sức khỏe cho người già. Đã có nghiên cứu so sánh người đi xe đạp trong nhóm người cao tuổi với một nhóm người trưởng thành khỏe mạnh không tập thể dục thường xuyên. Kết quả cho thấy những người đi xe đạp sụt giảm khối lượng cơ chậm hơn so với những người không tập thể dục.

Đạp xe đạp cũng làm tăng cường khả năng tuần hoàn máu não giúp cải thiện trí nhớ và phòng ngừa các triệu chứng từ căn bệnh Parkinson hay Alzheimer.

Nhờ sự hoạt động liên tục của hệ thống cơ xương khi đạp xe giúp các khớp có khả năng được bôi trơn và làm việc tốt hơn. Vì vậy, những căn bệnh về khớp cũng được cải thiện rất hiệu quả.

Kiểm soát trọng lượng cơ thể. Hoạt động đi xe đạp hàng ngày giúp tăng cường sự trao đổi chất, đốt cháy năng lượng dư thừa trong cơ thể, giúp cơ bắp được săn chắc hơn. Đồng thời cũng một bài tập tốt cho tim mạch.

Duy trì sức khỏe tinh thần. Đi xe đạp là cách tuyệt vời để chống lại các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc căng thẳng cao. Việc tập trung đạp xe khiến đầu óc tỉnh táo, kết hợp với những ngoại cảnh sinh động thay đổi xung quanh khiến người đạp xe cảm thấy vui vẻ hơn, phấn chấn. Ngoài ra, đi xe đạp theo nhóm trở thành hoạt động hết sức thú vị vì tạo nên sự gắn kết do mọi người cùng luyện tập, giúp đỡ và bổ sung kiến thức cho nhau.

Người cao tuổi đi đạp xe đều đặn mỗi ngày, đã mang lại hiệu quả tích cực về sức khỏe cho bản thân. Dạo quanh vòng hồ Tây, ngắm nhìn từng tốp những cụ cao tuổi đang hồ hởi đạp xe như tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, lan tỏa tinh thần sống vui, sống khỏe, sống tích cực để thế hệ con cháu học tập, noi theo.

- Tuân xedapvui-

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN