Đến viếng thăm khu quần thể di tích nhà thờ Phát Diệm, kinh đô Công giáo Việt Nam của chúng tôi đúng vào ngày Lễ Giáng sinh của người Công giáo để có cơ hội tận hưởng không khí Noel nơi đây. Nhiệt độ những ngày cuối tháng 12 đang khoảng 9-10 độ C.
Nhà thờ nằm ở huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30km về hướng Nam theo đường QL10. Nếu di chuyển bằng xe đạp từ Hà Nội thì cũng hết trọn 1 ngày đạp. Trước khi đến Kim Sơn, chúng tôi đạp xe ghé thăm qua khu thắng cảnh Tràng An nổi tiếng đất Ninh Bình để nghỉ ngơi và ăn trưa tại đây.
Thật ấn tượng sâu sắc về một công trình kiến trúc thật độc đáo pha trộn giữa văn hóa Đông Tây của người Việt xây dựng trong suốt hơn 30 năm vào thế kỷ 19. Độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo, nhưng có nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với mái cong hình mũi thuyền, chủ yếu xây dựng bằng vật liệu đá và gỗ lim được lấy từ nhiều tỉnh thành khác nhau.
Đã có rất nhiều người đến thăm nơi đây, tuy nhiên cũng có không ít người bị nhầm tưởng Nhà thờ lớn chính điện là... nhà thờ đá.
Nhưng không phải vậy, Nhà Thờ Đá là nhà thờ Đức Mẹ, nhỏ hơn, nằm phía bên trái sau cùng của Nhà thờ lớn. Nhà thờ này được xây hoàn toàn bằng đá, với đường nét trạm trổ tinh xảo, được làm rất cầu kì, tỉ mỉ và thủ công của những nghệ nhân đá thời xưa.
Tạm biệt khu di tích quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, chúng tôi lên đường quay trở về Hà Nội. Nhưng thật thú vị khi vừa đi khoảng hơn 1km ra đến QL10, chúng tôi bị mê hoặc bởi cây cầu ngói Phát Diệm đứng hiên ngang ngay trước mắt.
Dân gian có câu "cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài" để ca ngợi vẻ đẹp kiến trúc những cây cầu cổ ở xứ Sơn Nam, trong đó có cầu Ngói Phát Diệm ở Kim Sơn.
Xây dựng vào năm 1902 để bắc qua sông Ân, nằm trong quần thể di tích 3 cây cầu ngói nằm gần nhau, cây cầu ngói Phát Diệm có dáng vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, thể hiện tài năng sáng tạo của người dân địa phương và được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Đến nay cầu Ngói Phát Diệm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật của Việt Nam.