Huyện Bình Liêu là huyện miền núi nằm ở cực Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có gần 50km đường biên giới giáp Trung Quốc với cửa khẩu chính là Hoành Mô. Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 260km, ngày nay ta có thể đi ô tô trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái thì chỉ mất chừng 4 tiếng. Nhưng nếu muốn đạp xe, chúng tôi sẽ phải di chuyển theo đường QL18.
Là huyện đa dân tộc, Bình Liêu có khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 5 dân tộc chính (nhiều nhất là dân tộc Tày, Dao, ngoài ra có Sán Chỉ, Mán, Hoa...) tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa mang một bản sắc riêng.
Điều thú vị là dù có nhiều dân tộc khác nhau, nhưng đồng bào ở đây không theo tôn giáo nào. Dạo xe lòng vòng xung quanh khắp từ trung tâm huyện ra đến các làng bản ven ngoài đường biên, mà không thấy có ngôi chùa hay nhà thờ nào. Thỉnh thoảng chỉ bắt gặp một ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng. Phong tục ở đây, các gia đình và dòng họ chỉ có tục thờ cúng tổ tiên ông bà.
Bình Liêu mang vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh núi rừng trùng điệp. Những cánh rừng hồi, quế, sở thơm ngát.
Hoa Sở, loài hoa bông trắng cánh to nhị vàng đặc trưng ko thể lẫn được của nơi đây với những vùng rừng núi khác . Ngoài vẻ đẹp của hoa, thân cây có tác dụng chữa bệnh, dầu ép từ quả Sở được cho là tốt hơn cả dầu Oliu, tuy nhiên đến chợ trung tâm huyện Bình Liêu cũng khó tìm mua, và dân địa phương nơi đây cũng không phổ biến dùng.
Đã nhắc đến Bình Liêu thì không thể không nhắc đến cột mốc số 1305, với những con dốc cao, phải leo bộ chừng 2,5km trên đỉnh dãy núi, nơi được ví như "Sống lưng khủng long", để có thể nhìn bao quát được toàn bộ quang cảnh hùng vĩ của vùng núi rừng rộng lớn.
Chúng tôi đạp xe chạy theo dọc đường tuần tra biên giới khoảng hơn 20km để tìm lối lên cột mốc 1305. Đường nhỏ chạy vòng quanh, vắt qua lưng chừng các sườn núi, đứng từ bên này nhìn thấy rõ bên kia, nhưng đi mãi mà vẫn chưa tới nơi. Con đường mang tính chất an ninh quốc gia nên được chú ý đầu tư, mặt đường bê tông đẹp và vắng người, đi vài cây số mà không gặp một ai.
Có những đoạn, cột mốc biên giới được cắm ngay cạnh ven đường. Phía bên Trung Quốc, họ đang cho xây dựng hàng rào dây thép chạy dọc theo toàn bộ tuyến biên giới 2 nước.
Đến gần lối lên cột mốc 1305, chúng tôi bắt gặp một lán trại công nhân xây dựng, lúc này đã tầm 7h tối, quang cảnh núi rừng toàn một màu đen bao phủ, chỉ có ánh đèn leo lét bằng máy phát điện từ trong lán công nhân hắt ra đường. Chúng tôi quyết định dừng nghỉ chân nhờ ở đây.
Những người công nhân cũng là người dân địa phương quanh vùng, được chủ thầu thuê lên đây để xây dựng trạm dừng nghỉ đón khách du lịch tại điểm check in tại "sống lưng khủng long" này. Nhóm công nhân có 8 người, có đủ các sắc tộc Dao, Mán, Sán chỉ... Họ rất tốt bụng và thậm chí còn nhiệt tình mang thêm chăn ấm cho đoàn chúng tôi mượn. Thật ấm lòng giữa đêm đông giá rét nơi núi rừng hoang vu.
Rạng sáng, khi trời còn chưa kịp rõ hẳn mặt người, tiếng chim hót đã rộn ràng ngay bên cạnh bức vách của lán chúng tôi ở, thỉnh thoảng lại choe chóe như thể chúng đang tranh giành nhau cái gì đó. Chắc chỗ đó là nơi lũ chim tụ tập tìm đến vì những hạt cơm thừa mà người nấu ăn cho công nhân thường hất ra.
Gửi tạm xe đạp tại lán công nhân, chúng tôi bắt đầu hành trình leo bộ lên "sống lưng khủng long" để tiến đến cột mốc 1305, một quang cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt.
Hành trình kết thúc đúng kế hoạch đã định, chúng tôi lại một lần nữa đã có được chuyến đạp xe với những trải nghiệm thú vị về cảnh đẹp đất nước cũng văn hóa dân tộc trên những nẻo đường đã đi.