Đạp xe lên thảo nguyên Suôi Thầu - vùng đất Xín Mần, Hà Giang đẹp quên lối về

dap-xe-len-thao-nguyen-suoi-thau-vung-dat-xin-man-ha-giang-dep-quen-loi-ve

Thảo nguyên Suôi Thầu thuộc Xín Mần, một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Hà Giang, cách thị trấn Cốc Pài 11km. Khung cảnh nơi đây còn hoang sơ và vô cùng tuyệt đẹp với những thửa ruộng lúa, ngô và tam giác mạch trải dài uốn lượn quanh các sườn đồi, sự đan xen này khiến sắc màu cảnh vật được phối trộn với nhau như những tấm vải thổ cẩm của người dân tộc vùng cao nơi đây, đẹp mê mẩn lòng người.

Không như lộ trình tới các địa danh nổi tiếng khác ở Hà Giang, chúng tôi đi Thảo nguyên Suôi Thầu từ Hà Nội theo hướng đến thị trấn Bắc Hà của Lào Cai, rồi di chuyển trên đường tỉnh 153 sang huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Đúng như dự báo thời tiết, trời về đêm có mưa. Chúng tôi dừng nghỉ nhờ nhà người dân ven đường ở Lùng Phình, cách Bắc Hà 12km. Dù đã rất khuya, nhưng anh chủ nhà, A Dín, người dân tộc Phù Lá rất nhiệt tình đón tiếp và chu đáo nấu nồi cháo gà ăn đêm vì biết mọi người cũng đã mệt. Người dân vùng cao luôn tốt bụng như vậy đấy.

Đến huyện Bắc Hà này, tôi gặp rất nhiều người là dân tộc Phù Lá. Người Phù Lá sống chủ yếu ở tỉnh Bắc Hà, Lào Cai và riêng tại xã Lùng Phình chiếm đến 90% dân số. Dân tộc Phù Lá theo tín ngưỡng đa thần, thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Tuy họ có tiếng nói riêng nhưng nhiều lễ tết truyền thống cũng như chữ viết thì theo phổ thông. Trang phục người Phù Lá thường là quần áo dài nhuộm chàm hoặc xanh, không phân biệt địa vị xã hội. Giống như nhiều dân tộc miền núi khác, các hoa văn trên trang phục được người phụ nữ trong gia đình tự thêu tay với họa tiết phong phú, các hình thù về thiên nhiên, vạn vật kết hợp với nhiều trang sức vòng tay, vòng cổ...bằng bạc. Người Phù Lá ở nhà sàn hoặc nửa sàn, nửa đất, gia đình theo truyền thống phụ hệ. Thanh niên trai gái được tự do tìm hiểu và kết hôn, không bị phụ thuộc gia đình.

Nhấp ngụm rượu cho ấm bụng, vừa nghe A Dín chia sẻ, Lùng Phình là vùng thung lũng hình lòng chảo, đồi núi trùng điệp ngút tầm mắt bao quanh. Nhà anh nằm gần ngã 3 đường tỉnh 153, hướng rẽ phải đi tiếp sang Xín Mần, Hà Giang, còn rẽ trái đi Simacai. Còn muốn khám phá văn hóa nơi đây thì nên đi chợ phiên Lùng Phình họp mỗi sáng thứ 6 hàng tuần.

Ăn cháo xong, chúng tôi được A Dín hướng dẫn lối lên chỗ nghỉ. Trên nhà sàn được chia thành 3 gian, chính giữa trang trọng nhất là nơi thờ tổ tiên. Bên phải bố trí nơi dành cho khách, bên trái là buồng riêng của gia đình.

Vừa mới chợp mắt không lâu thì cũng là lúc gà gáy báo sáng. Tôi cố nằm vùi đầu trong chăn nán lại một lúc nữa, nhưng cũng không thể ngủ thêm được vì lòng háo hức cho kế hoạch buổi sáng, chúng tôi sẽ rẽ ngang đường, di chuyển lên Simacai để được trải nghiệm chợ phiên Cán Cấu họp sáng thứ 7 hàng tuần.

Đường đi từ Lùng Phình đến Cán Cấu chỉ khoảng 8km và hầu như là đổ dốc xuống, chợ họp ngay bên đường tỉnh 159, cách 10km nữa mới tới trung tâm Simacai . Không giống với những nơi khác, Cán Cấu là phiên chợ hiếm hoi còn giữ được nét đặc trưng hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao. Hàng hóa ở đây hầu hết là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi, trồng chọt và cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc miền núi. Có gia đình đưa cả vợ chồng, con cái cùng nhau đi chợ. Không chỉ người dân địa phương quanh vùng, họ ở khắp nơi tập trung đến chợ, nhiều người cách cả vài chục cây số cũng đến để mua bán hàng hóa.

Chúng tôi vào một quán trong chợ để ăn sáng. Ở đây có rất nhiều các món ăn dân dã đặc trưng vùng cao Tây Bắc, mới nhìn đã thấy hấp dẫn và ngon mắt. Nhiều nhất là những mẹt đầy ắp các món ăn làm từ thịt lợn mán và gà đen. Những người dân đi chợ từ sớm tinh mơ đều vào các quán này để ăn sau khi đã mua bán xong những thứ mình cần.  

Một trong những món ăn của người vùng cao là Mèn mén, thứ gắn liền với thời kỳ thiếu thốn lương thực thì đến nay vẫn được ưa dùng. Trước kia, Mèn mén là món ăn chính, là “cơm” hàng ngày của người dân tộc Mông, được làm từ hạt ngô già xay hoặc giã nhuyễn, bỏ mày rồi hấp chín. Ngày nay, cuộc sống đã bớt đói khổ hơn, nhưng mèn mén vẫn có mặt trong các bữa ăn, cho dù nhiều gia đình đã có điều kiện. Bởi dù chỉ là món bình dân, nhưng nó đã trở thành nếp sống, văn hóa Mông, là thứ không thể thiếu được trong các ngày lễ, ngày tết.

Đã nói đến ẩm thực Tây Bắc thì không thể không thưởng thức món Thắng cố, một món ăn dân dã mà rất thú vị. Thắng cố (còn gọi là khấu tha hay thảng cố) là món ăn truyền thống của người Mông, được chế biến từ các phần thịt khác nhau của con ngựa cùng những gia vị đặc trưng của núi rừng. Thắng cố có mặt rất nhiều trong các phiên chợ vùng cao, nhưng có lẽ ở Bắc Hà là một trong nhưng nơi ngon và nổi tiếng nhất. Nó không chỉ đơn giản là món ăn, mà còn là nét văn hóa độc đáo người dân tộc vùng cao. Chúng tôi ngồi thưởng thức miếng thịt ngựa đã được hầm nhừ, ngọt mềm, mà đậm đà, vừa thơm ngai ngái của thịt ngựa được tẩm ướp gia vị, nhấp cùng ngụm rượu ngô cay nồng, cảm thấy thật sự tuyệt vời.

Đang mải mê ngắm chợ, bỗng nghe văng vẳng tiếng nhạc vọng đến, tôi tò mò tìm theo phía giai điệu dặt dìu phát ra. Ở một góc nhỏ của khu chợ, có những người đàn ông đang vừa ngồi uống rượu vừa phiêu du cùng tiếng kèn. Kèn Pí Lè là nhạc cụ đặc trưng cho văn hóa truyền thống và trong tín ngưỡng của người dân Tây Bắc, kèn mang âm thanh của núi rừng, là cầu nối tâm tình trò chuyện của con người cùng với thiên nhiên. Kèn thường xuyên được dùng trong các dịp vui ngày hội, Lễ Tết, đám cưới, cũng như khi buồn trong đám ma chay,...Đồng bào vùng cao phía Bắc có nhiều loại nhạc cụ cho đời sống tinh thần của mình. Một số nhạc cụ đặc trưng của từng dân tộc, như cồng chiêng của người Mường, khèn của người Mông hay đàn tính của người Tày, Nùng... Nhưng chiếc kèn Pí Lè lại là loại nhạc cụ được nhiều dân tộc khác nhau cùng sử dụng nó trong văn hóa truyền thống của mình.

Chia tay với chợ phiên Cán Cấu, chúng tôi tiếp tục hành trình đạp xe khoảng 30km về hướng thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần. Đường tỉnh 153 khá đẹp, vắng xe qua lại. Khoảng 10km đầu tiên là đường đèo dốc có lên, có xuống, độ dốc khoảng 10% và không có nhiều cua gấp. 20km còn lại thì hầu như toàn đổ dốc dốc, có đoạn 12 - 13%, nhiều cua hơn. Chúng tôi dừng nghỉ chân tại homestay Panorama Xín Mần, cách thị trấn chỉ 2km. Từ trên homestay có thể ngắm được toàn bộ thị trấn Cốc Pải. Là thị trấn nhỏ nằm dưới thung lũng, cạnh dòng sông Chảy thơ mộng, Cốc Pài nằm ngay dưới chân núi, các con đường trong khu dân cư uốn lượn quanh co từ triền núi này xuống triền núi thấp hơn.

Ngày hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để có thể xuất phát lên Thảo nguyên Suôi Thầu kịp đón bình minh. Từ homestay, chúng tôi đạp quay ngược về hướng Lào Cai chừng 4km thì rẽ bên phải vào lối nhỏ đi thảo nguyên. Từ đây lên thảo nguyên đường nhỏ và toàn dốc ngược lên, chừng 10-14% và nhiều đá răm, có đoạn đường xấu tạo thành rãnh sâu hoặc lộ cả đá lớn nên xe đạp rất vất vả mới vượt qua, nhiều khúc cua tay áo cũng sẽ khiến cho những tay lái non phải chùn bước. 12km leo dốc mà chúng tôi ì ạch mất đến hơn 1 tiếng rưỡi mới vượt qua được.

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN