Nhiệt độ - kẻ thù của hệ thống phanh
Không những ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng làm việc của cơ cấu phanh, nhiệt độ cao làm “sôi” dầu lẫn nước, làm mềm gioăng phớt tạo điều kiện để dầu áp suất cao thoát ra ngoài.
Ma sát tạo lực cản giúp dừng xe nhưng cũng tạo ra kẻ thù số một của hệ thống phanh - nhiệt độ. Phát sinh tại bề mặt tiếp xúc giữa má - đĩa phanh (cơ cấu phanh đĩa) hoặc guốc - trang trống (cơ cấu phanh tang trống), một phần nhiệt năng thoát ra ngoài theo má - đĩa phanh hoặc guốc phanh - tang trống, một phần qua pít-tông truyền làm nóng dầu phanh.
Trạng thái phanh gấp ở vận tốc cao, tốc độ tản nhiệt thấp hơn nhiều so với tốc độ sinh nhiệt, vùng tiếp xúc của 2 chi tiết có chuyển động tương đối nóng đỏ cục bộ gọi là hiện tượng cháy phanh. Khói xuất hiện kèm mùi khét, lực ma sát giảm. Bề mặt má chai cứng, trên mặt đĩa phanh hoặc tang trống xuất hiện các khu vực xám đen - dấu hiệu của hiện tượng quá nhiệt.
Xe đổ đèo, vận tốc xe tăng tự nhiên ngoài ý muốn, phản xạ của tài xế thường là rà phanh giảm tốc độ. Động năng chuyển thành nhiệt, cơ cấu phanh nóng lên. Nhiệt năng liên tục truyền vào dầu phanh trong khi khả năng tản nhiệt của đường ống kém. Như một tất yếu, dầu phanh nóng nên.
Có đặc tính hút nước mạnh, dầu phanh sử dụng lâu lẫn nước thấm thấu qua đường ống cao su. Nhiệt độ cao vượt quá điểm sôi, nước hóa hơi bên trong đường ống tạo bọt khí. Bị chiếm thể tích, một phần dầu hồi về bình chứa. Từ đặc tính không thay đổi thể tích khi bị nén, dầu thủy lực lẫn hơi nước bị nén triệt tiêu lực đạp phanh.
Ngay cả với tình huống dầu phanh không lẫn nước, nhiệt độ tăng cao quá mức làm nóng và mềm gioăng kín tại xi-lanh công tác của cơ cấu phanh, thậm chí áp lực dầu nóng còn phá hủy gioăng lão hóa. Dầu thoát ra ngoài khi tài xế đạp phanh. Không còn lực tỳ, má mất ma sát với đĩa phanh. Cả hai tình huống dầu “sôi” và hở gioăng, cơ cấu phanh đều mất khả năng làm việc, lực đạp chân phanh nhẹ hơn bình thường
...còn nữa...