Không phải lần nào tôi đi đạp xe cũng hàng trăm cây số, đến miền biên giới xa xôi, khám phá vùng cao hẻo lánh hay tìm về cánh rừng hoang vắng.
Đối với tôi, đạp xe là thói quen hàng ngày dù đi gần, hay đi xa và xe đạp là phương tiện, là trợ thủ đắc lực cùng tôi đến khắp mọi nơi, luồn lách vào trong con ngõ nhỏ, phố nhỏ, ra đến những cánh đồng lúa rộng mệnh mông, xuống con đò ngang bên sông hay lên chuyến tàu lửa thẳng tiến vào Nam...
Hôm nay tôi muốn kể 1 trải nghiệm trong chuyến dạo chơi ngắn nhưng vẫn ấn tượng bởi những điều đơn giản trên đường: Thăm làng Đông Hồ ngày nay, được ngắm vàng mã thay tranh khắc gỗ.
Nhắc đến Đông Hồ, người ta nghĩ đến một loại tranh khắc gỗ in trên giấy điệp rất nổi tiếng của dân gian Việt Nam. Dòng tranh nghệ thuật độc đáo này có xuất xứ từ làng nghề truyền thống Đông Hồ, với những hình ảnh hết sức bình dị, gần gũi nhưng giàu tính nghệ thuật, thơ ca. Xưa kia tranh Đông Hồ được nông thôn thường dán tường trang trí nhà cửa vào dịp lễ Tết. Cụ Tú Xương có câu thơ miêu tả tranh Đông Hồ ngày Tết rằng:
"Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà"
Ngày nay, nghề làm tranh Đông Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Xuất phát từ cầu Long Biên, chúng tôi đạp xe dọc con đê sông Đuống theo hướng đi Thuận Thành chừng 35km. Ngôi làng cổ nằm ngay ven đê bờ nam sông Đuống, thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Từ một quãng còn xa, chúng tôi đã dễ dàng nhận ra điểm đến bởi công trình Đình Làng bề thế mới xây dựng nằm nổi bật giữa khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh quý trưng bày trang trí xung quanh, được bảo vệ bởi dãy tường rào cao, chạy dọc dưới chân bờ đê. Ngôi đình mới được lợp mái ngói đỏ, các cửa gỗ được trạm khắc cầu kỳ và tường vẫn còn thơm mùi sơn vừa quét.
Cho xe thả dốc từ trên đê vào trong làng, đối lập với không gian hoành tráng ở phía ngoài, thì ở phía sau là ngôi đình cổ phủ đầy rêu phong, với hồ sen hình bán nguyệt đặc trưng làng quê Bắc bộ, đây mới chính là di tích lịch sử Đình Tranh Đông Hồ, nằm ẩn mình khiêm tốn, nhỏ bé và xưa cũ.
Ngay từ ngoài làng, chúng tôi bắt gặp những tấm biển quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống tranh dân gian. Háo hức đi vào tham quan bên trong, nhưng thất vọng vì chỉ hiếm hoi mới thấy có một vài nhà nghệ nhân còn lưu giữ lại nghề truyền thống này.
Giờ nghề làm tranh đã bị mai một nhiều, thay vào đó, hầu hết các gia đình đều đã đổi sang nghề "hot" kiếm tiền nhanh hơn, nghề làm nghề vàng mã. Từ ngõ, xóm vào đến trong sân và ở các căn nhà lớn nhỏ, đều bày la liệt nguyên phụ liệu và thành phẩm vàng mã, chỗ này để hình nộm người, ngựa, chỗ kia xếp đống nhà lầu, xe hơi, xe máy... tất cả đều bằng giấy màu sặc sỡ, phủ ngoài cốt tre. Ngay ở sân chung tập thể của nhà văn hóa thôn, người ta tận dụng làm nơi tập kết đồ hàng mã sau khi đã hoàn thành xong công đoạn dán giấy, để phơi chờ cho khô hồ.
Công việc làm ăn phát triển tốt đến mức, ngay cạnh làng, người ta qui hoạch thành khu công nghiệp chuyên nghề sản xuất vàng mã. Các nhà xưởng mọc lên san sát, vàng mã được đóng theo kiện xếp đầy kho, người ta phải dùng vận thăng và xe nâng để bốc xếp chúng. Dọc hai bên đường, xe tải to, tải nhỏ và cả xe công ten nơ nối đuôi xếp hàng chờ vận chuyển vàng mã đi khắp mọi miền, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ngày một nhiều của người dân.
Trong các ngõ nhỏ đều được tận dụng làm nơi tập kết vàng mã
Ngẫm lại có khi cũng nên vui mới đúng, có phú quý thì mới sinh lễ nghĩa, kinh tế khấm khá thì nhu cầu tâm linh nở rộ theo mà nhỉ.
Khéo sau này, người ta cũng sẽ công nhận làng Đông Hồ có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề sản xuất vàng mã như nghề làm tranh khắc gỗ dân gian bây giờ cũng nên.