Cứ vào độ thu về, vào tháng 9 - 10 hàng năm, Mù Căng Chải với những thửa ruộng bậc thang khoác trên mình một màu vàng, như những dòng thác lúa chảy tràn từ lưng chừng núi xuống thung lũng khiến bao người phải trầm trồ trước tuyệt tác của vùng núi rừng Tây Bắc này.
Chúng tôi đạp xe lên đường chinh phục đèo Khau Phạ danh chấn phương Bắc, để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang lớn nhất Việt Nam, để hòa mình với thiên nhiên, được ngâm mình dưới làn nước khoáng nóng Tú Lệ và khám phá đời sống của người H’Mông nơi đây.
Thật xứng đáng cho một ngày oằn lưng vượt dốc chinh phục đèo Khau Phạ, chúng tôi được thả hồn thư giãn giữa bầu không khí thiên nhiên trong lành, quang cảnh núi rừng nên thơ và ngâm mình dưới dòng nước suối khoáng nóng Tú Lệ.
Đến Tú Lệ, xem đồng bào dân tộc canh tác lúa Séng Cù ở ruộng bậc thang trên vùng núi có độ cao 500-1.400m, nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Cây lúa tắm sương, uống nước suối từ khe núi cho hạt gạo dẻo, vị đậm ngọt bùi, thơm hương núi rừng Tây Bắc.
Gạo Séng cù trồng một năm 2 vụ, nhưng ngon nhất vẫn là vụ mùa, được thu hoạch vào tháng 9-10, đã ăn một lần là nhớ mãi không thể quên.
Đã đến Tú Lệ thì không thể không nghĩ đến mùi thơm của đặc sản cốm Tú Lệ.
Người dân tộc Thái nơi đây vẫn làm cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.
Lúa gặt về phải chế biến ngay trong ngày. Sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được đem rang trong chảo lớn. Lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.
Cốm có màu xanh đậm, hạt dầy và mềm, hậu vị ngọt nhẹ mang đặc trưng của vùng Tú Lệ.