Nên chọn xe đạp có phanh đĩa hay phanh vành thì tốt hơn?

nen-chon-xe-dap-co-phanh-dia-hay-phanh-vanh-thi-tot-hon

Ngay từ khi sáng chế ra chiếc xe đạp đầu tiên vào năm 1817, có lẽ ngài Nam tước Drais cũng đã phải rất đau đầu nghĩ giải pháp sao cho  kiểm soát được tốc độ của chiếc xe và cũng từ đó bộ phận phanh xe đã được nghiên cứu ra đời. 

Ngày nay, các mẫu xe đạp được kế thừa và không ngừng cải tiến sao cho tiện dụng, có hiệu năng cao và an toàn hơn. Trong đó phải kể đến hệ thống phanh đã được thiết kế với rất nhiều kiểu dáng, cấu tạo và nguyên lý hoạt động để phù hợp tính năng của từng xe khác nhau như loại phanh vành, phanh đĩa, phanh tang trống, phanh chân... Nhưng phổ biến nhất và cũng được nhiều người phân vân nhất khi lựa chọn xe đạp có lẽ là phanh vành và phanh đĩa. Sau đây, chúng ta hay cùng nhau tìm hiểu tính năng, ưu nhược điểm của mỗi loại phanh này để lựa chọn chiếc xe phù hợp với nhu cầu của bản thân nhé: 

I.Phân biệt loại phanh đĩa và phanh vành

Tên của 2 loại phanh này cũng chính là vị trí của loại phanh đó tác động vào để tạo ma sát khiến xe giảm tốc độ, đây là sự khác biệt cơ bản nhất giữa phanh đĩa và phanh vành. Với phanh vành, vị trí tác động của phanh là trực tiếp lên hai bên cạnh của vành xe đạp. Còn phanh đĩa tác động lên đĩa phanh được lắp cố định trên may-ơ (đùm) của xe đạp.

1. Phanh vành:

Hệ thống phanh vành bao gồm tay phanh, dây cáp và cụm phanh. Hệ thống này hoạt động dựa trên nguyên tắc lực kéo từ tay phanh truyền qua dây cáp kích hoạt các má phanh cùng áp sát cả 2 bên vào trực tiếp vành xe đạp tạo lực ma sát khiến xe giảm tốc độ.

Một số xe đua cao cấp được thiết kế phanh vành có hệ thống dầu trợ lực (không dùng dây cáp) để điều khiển cụm phanh, tuy nhiên, loại này chưa ứng dụng đại trà cho các dòng xe phổ thông nên trong phạm vi bài viết này không đề cập đến.

Loại phanh vành đã có từ lâu đời, trong những thập niên đầu phát minh ra chiếc xe đạp. Đến nay đã có nhiều cải tiến về cấu tạo thành các kiểu phanh cùm, phanh V..., xong thiết kế có tính truyền thống này vẫn được tin dùng rộng rãi ở các dòng xe đạp ngày nay bởi những ưu điểm nổi bật:

a. Ưu điểm của phanh vành:

- Phanh vành có cấu tạo đơn giản, chi phí sản xuất thấp, dễ lắp ráp cân chỉnh và sửa chữa, cũng như công tác bảo dưỡng đơn giản nên người sử dụng có thể tự thực hiện được. Chính sự đơn giả n này là điều mà các tín đồ xe đạp phượt đường dài đặc biệt ưa chuộng, vì trên mỗi hành trình đạp xe, tiềm tàng nhiều sự cố kỹ thuật có thể xảy ra, nhưng cũng không dễ gì tìm được một cửa hàng sửa chữa chuyên nghiệp dọc đường, nên người phượt thủ cần phải tự biết cách khắc phục nhanh chóng và thuận tiện nhất.

- Tuy cấu tạo đơn giản nhưng phanh vành có độ an toàn và ổn định cao. Ngoài ra với đối với những người đi xe đạp lâu năm, thường rất thích cảm giác "thật tay" mỗi khi kiểm soát lực phân bổ từ tay phanh qua hệ thống dây cáp kéo này.

- Cũng vì có giá thành rẻ và tính ổn định nên kiểu phanh vành được phổ biến trên nhiều loại xe đạp khác nhau. Khi cần phụ tùng thay thế sẽ dễ tìm mua nhiều nơi, kể cả không ở các trung tâm thành phố.

- Có kiểu dáng gọn nhẹ, loại phanh này ngày nay được ưa chuộng  cho những mẫu xe đạp thiết kế mang phong cách đơn giản, lịch thiệp, tinh tế và cổ điển. Ví dụ các dòng xe crossbike, citybike, touring bike... thường sử dụng loại phanh này.

Tuy nhiên, do cấu tạo đơn giản nên kiểu phanh vành chưa thực sự được ưu việt trong mọi tình huống, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

b. Hạn chế của phanh vành:

- Lực mô men xoắn của kiểu phanh vành tác động lên vành không cao nên hiệu lực phanh không hoàn toàn có hiệu quả ngay lập tức. Điều này bộc lộ rõ khi xe phải chở nặng hoặc điều kiện đường xấu, trơn trượt và có độ dốc dựng đứng... Mặt hạn chế này của phanh vành cũng khiến cho người sử dụng cảm thấy tay khi bóp phanh bị nặng hơn, lực bóp phải nhiều hơn mỗi khi cần giảm tốc độ xe.

- Phanh vành bị giảm hiệu quả trong môi trường ẩm ướt. Do vật liệu của vành và má phanh khi gặp nước sẽ bị trơn, trượt, giảm độ ma sát.

- Cụm phanh được thiết kế nằm vị trí sát vành và gần lốp xe nên dễ bị cát bụi bám vào, đặc biệt khi đi đường lầy lội, bùn đất sẽ gây kẹt cho hệ thống phanh hoặc làm giảm hiệu lực của phanh. Cũng chính vì dễ bị bám bẩn nên người sử dụng phải thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng hơn.

- Để bảo vệ cho vành xe nên nhà sản xuất đã thiết kế má phanh bằng vật liệu mềm hơn. Đó là lý do má phanh thường nhanh bị mòn, cần thay thế sau một thời gian sử dụng. Người có thói quen đi tốc độ nhanh, thường phanh gấp hoặc đường nhiều dốc cần phanh liên tục thì càng nhanh mòn má phanh. Nếu không được kiểm tra để thay thế kịp thời, má phanh bị mòn sẽ giảm hiệu lực phanh, thậm chí nếu để mòn quá mức, cốt kim loại trong má phanh bị lộ ra ngoài, trà sát gây hư hại hoặc thủng vành xe đạp.

- Với nhược điểm đó, phanh vành không được khuyến khích cho những loại xe đạp có tính năng chuyên đi đường địa hình xấu, có nhiều bùn lầy.

2. Phanh đĩa:

Tương tự như phanh đĩa của ô tô và xe máy, điểm dễ nhận biết nhất về loại phanh này trên xe đạp chính là chiếc đĩa phanh được gắn trực tiếp đồng trục với may-ơ. Kích thước của đĩa phanh to hay nhỏ tùy thuộc vào tính chất của từng loại xe, phổ biến từ 100-140mm (xe Road, FastRroad), 140-160mm (MTB) và 180mm (downhill)...

Khi tác động lên tay phanh, cụm 2 má phanh sẽ ép chặt vào đĩa phanh tạo ma sát làm giảm tốc độ của xe. 

a. Các loại phanh đĩa:

Có hai nguyên tắc truyền lực từ tay phanh đến cụm má phanh: trực tiếp kéo bằng dây cáp (phanh đĩa cơ) hoặc trợ lực bằng dầu (phanh đĩa thủy lực). Khác với phanh vành chỉ phổ biến 1 kiểu truyền lực trực tiếp bằng kéo dây cáp, đối với phanh đĩa thì cả 2 kiểu kéo cơ và thủy lực đều được ứng dụng phổ biến, tùy theo tính chất mỗi loại và nhu cầu người dùng.

b. Ưu điểm của phanh đĩa:

- Phanh đĩa có độ ăn bám tốt hơn, đặc biệt hiệu quả khi ở những đoạn đường có độ dốc rất lớn hoặc xe phải chở nặng.

- Trong điều kiện môi trường ẩm ướt hoặc đường đất bùn lầy... phanh đĩa vẫn phát huy hiệu quả cao và ít bị bám bẩn vì cụm đĩa phanh nằm xa phạm vi lốp xe. Do đó phanh đĩa phù hợp với tính chất của dòng xe địa hình.

- Má phanh đĩa được làm bằng vật liệu chống mài mòn tốt nên rất bền và lâu mới cần phải thay thế.

- Có tính thẩm mỹ cao, hình dáng cụm phanh đĩa được thiết kế đẹp mắt, đậm chất thể thao, khỏe khoắn và hiện đại, nên có sự lôi cuốn thu hút mọi người.

- Đối với phanh đĩa dầu: do có hệ thống trợ lực dầu nên lực bóp tay phanh rất nhẹ, chỉ cần 1 ngón tay cũng điều khiển cho xe dừng lại được. Khi bóp phanh luôn cảm thấy nhẹ nhàng và mượt tay. 

Như vậy, rõ ràng rằng phanh đĩa là công nghệ tiên tiến, có tính ưu việt nên được ứng dụng rộng rãi trên nhiều loại xe hiện nay. Tuy nhiên, không phải vì thế đi xe phanh đĩa đã là hoàn toàn tối ưu. Bởi lẽ loại nào cũng có bộc lộ những mặt hạn chế riêng của nó và chúng ta cần đánh giá thật cẩn thận để có thể lựa chọn được đúng loại phù hợp với thực tế nhu cầu của cá nhân mình nhé. 

c. Hạn chế của phanh dầu:

- Cấu tạo phanh đĩa phức tạp nên giá thành sản xuất cao. Với phân khúc xe đạp có mức giá tầm thấp hoặc trung bình, nếu không thực sự cần tính năng của phanh đĩa thì nên dùng phanh vành hơn, vì loại phanh đĩa có giá thành rẻ sẽ có chất lượng không thực sự tốt, thậm chí còn kém hơn nhiều phanh vành so với cùng 1 mức giá như nhau.

- Phanh đĩa khó sửa chữa và chi phí thay thế cao hơn phanh vành. Công việc cân chỉnh, sửa chữa khi phanh đĩa gặp trục trặc cần sự chuyên nghiệp của người thợ có chuyên môn và kinh nghiệm.

- Kiểu dáng của phanh đĩa khá đa dạng, cấu tạo và kích thước cũng khác nhau, tùy thuộc vào từng hãng thiết kế và từng đời / dòng phanh. Do vậy, thông thường linh kiện của mỗi đời phanh đĩa không tương thích và khó lắp lẫn nhau được, việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cũng khó hơn khi ở các vùng xa trung tâm.

- Khoảng cách giữa má phanh với đĩa phanh vô cùng nhỏ, cần có độ chính xác cao. Đĩa phanh là tấm kim loại được xẻ rãnh và đục lỗ để tăng khả năng tản nhiệt. Nhưng nó cũng có thể dễ dàng bị xước, nứt vỡ, cong vênh khi chịu một lực lớn như bị tì đè hoặc va chạm mạnh. Do vậy việc bảo quản xe rất cần cẩn trọng hơn so với loại khác. 

- Phanh đĩa rất ăn bám do vậy cũng khá nguy hiểm khi đang chạy tốc độ cao mà phanh đột ngột, đặc biệt là chỉ dùng 1 phanh: xe bị rê bánh sau nếu chỉ dùng 1 phanh sau hoặc bị ngã lộn cổ nếu chỉ dùng 1 phanh trước, do xe dừng bất ngờ, lực quán tính khiến người văng ra phía trước. 

- Đối với phanh đĩa dầu: khi làm việc, cụm má phanh và đĩa bị ma sát lớn khiến nhiệt độ hệ thống phanh tăng nhanh. Nếu hoạt động liên tục trong thời gian dài, nhiệt độ quá cao làm “sôi” dầu, mềm gioăng phớt tạo điều kiện để dầu áp suất cao thoát ra ngoài, khiến phanh hoàn toàn mất hiệu lực. Do đó, khi sử dụng xe đạp phanh đĩa dầu cần kinh nghiệm xử lý và không nên đi trong điều kiện đường có nhiều dốc cao và dài như đường đèo. 

- Đối với phanh đĩa cơ: khác với nguyên lý của phanh có trợ lực dầu, loại kéo dây cáp này không phải lo vấn đề dầu trương nở phá hủy đường ống gây rò rỉ dầu. Do đó các phượt thủ thường ưu tiên lựa chọn loại phanh đĩa cơ cho cung đường đèo dốc.

Tuy nhiên phanh đĩa cơ vẫn có thể gặp hiện tượng mất phanh. Trường hợp đường có nhiều đèo dốc dài và chở nặng, nếu lạm dụng bóp rê phanh liên tục, đĩa và má phanh bị nóng quá mức sẽ có thể gặp tình trạng "trơ phanh", mất khả năng ma sát. Ngoài ra, phanh đĩa cơ thông thường chỉ có 1 bên má phanh di chuyển  chủ động ép vào đĩa phanh do lực kéo trực tiếp của dây cáp, 1 bên còn lại gần như đứng yên, nó hoạt động thụ động theo lực đàn hồi lò xo. Đĩa phanh có xu thế bị ép sang bên  má phanh đứng yên đó. Do vậy độ chính xác của phanh đĩa cơ không được tốt như phanh đĩa dầu.

II. Nên lựa chọn phanh đĩa hay phanh vành

Như vậy với những phân tích, so sánh nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng loại phanh nào cũng có những ưu điểm riêng và cũng có những mặt hạn chế. Thường thì ưu điểm của loại phanh này sẽ bổ khuyết, khắc phục cho mặt hạn chế của loại kia. Do vậy, muốn chọn được chiếc xe phù hợp cho mình, chúng ta cần cân nhắc dựa trên nhu cầu và khả năng thực tế của bản thân. Shop Xedapvui hy vọng các bạn đã có đủ thông tin để đưa ra quyết định lựa đúng đắn phù hợp nhất. Đây là những chia sẻ của cá nhân Xedapvui dựa trên kinh nghiệm 20 năm đam mê với môn xe đạp phượt nên có thể chưa hoàn toàn đầy đủ và không tránh khỏi thiếu sót, mong rằng sẽ được nhận thêm những ý kiến đóng góp để tôi có thể ngày càng hoàn thiện hơn.

- Tuân Xedapvui-

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN