Thăm bến đò Rừng cổ Quảng Yên

tham-ben-do-rung-co-quang-yen

Cách thành phố Hạ Long hơn 30km theo đường Hạ Long - Hải Phòng hoặc đạp xe xuất phát từ thành phố Uông Bí chừng 15km đi theo đường QL18 là đến trung tâm thị xã Quảng Yên, từ đây đi thêm gần 3km nữa là đến quần thể khu di tích chiến thắng Bạch Đằng tại bến đò Rừng cổ năm xưa.

Hiện ra trước mắt chúng tôi là một không gian bề thế với khoảng sân rất rộng phía ngoài của một ngôi đền. Đền Bạch Đằng, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công rất lớn giúp nhà Trần 3 lần chiến thắng đại quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ đất nước. Ngôi đền được xây trên đúng doi đất sông Bạch Đằng mà năm xưa là trung tâm của trận thủy chiến vào ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý 1288, tiêu diệt và bắt sống 4 vạn quân cùng 600 chiến thuyền của giặc, nay thuộc địa phận tx Quảng Yên, Quảng Ninh.

Phía bên sau của đền Bạch Đằng là ngôi Miếu Vua Bà.

Chuyện kể lại, xưa kia khi chuẩn bị cho kế hoạch chống lại thủy binh quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đến khu vực sông Bạch Đằng thị sát địa hình. Tình cờ Ngài gặp được một cụ bà ngồi bán nước bên gốc cây quếch, gần bến Đò Rừng. Ngài đã được cụ bà hướng dẫn tỷ mỷ thông tin rất quan trọng về địa thế dòng sông, chi tiết lịch con nước, giúp cho quân ta bố trí trận địa cọc và thời điểm quyết chiến.

Sau chiến thắng vang dội tiêu diệt được toàn bộ thủy quân của giặc, Hưng Đạo Vương đã cho người quay lại tìm bà cụ, nhưng không thấy. Nơi bà cụ ngồi bán nước trước đây lại có một tổ mối rất to xuất hiện từ khi nào.

Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần phong bà làm "Vua Bà" và cho lập miếu thờ tại chính bên gốc cây quếnh nơi đây.

Cách quần thể di tích bến đò Rừng cổ không xa, ta có thể đạp xe đến các di tích ý nghĩa khác. Như bãi cọc gỗ nghìn năm tuổi, chỉ chừng 2km, là một trong những nơi Hưng Đạo Vương cho bày thế trận chặn đường rút của thủy quân Nguyên Mông, nay vẫn còn đứng sừng sững như minh chứng cho tinh thần quật cường của dân tộc.

Di tích bãi cọc nằm sát dưới chân đê, rộng chừng 200-300m2, được kè bê tông chống xạt lở bao quanh và đổ ngập nước để bảo tồn. Phía trên bãi cọc, chính quyền mới cho dựng bia đá để ghi lại chiến tích xưa của cha ông ta. Xung quanh bãi cọc là ruộng lúa của người dân canh tác. Nếu không chú ý hoặc không sử dụng map định vị thì cũng hơi khó tìm thấy.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN